dân gian  ĐÔNG  HỒ

1

CÁCH IN TRANH

Tranh Đông Hồ không phải là tranh vẽ tay mà được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu, mỗi màu dùng một bản. Khi in, dập bản màu nhạt trước, màu đậm sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao...


Nghệ nhân làng Đông Hồ đang in tranh
(Nguồn: cinet.vn)

 


Hoạt động in tranh tại nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế
(Ảnh: Trần Thanh)

 


Bộ sưu tập các bản khắc cổ có độ tuổi trên dưới 200 của nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế
(Nguồn: Báo Thanh Niên)

 


Các bản khắc gỗ ở nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế
(Ảnh: Trần Thanh)

 


Mỗi bản khắc là một màu
(Các bản khắc của tranh Đám cưới chuột - Nguồn: cinet.vn)

 

Tranh Đông Hồ không phải là tranh vẽ tay mà được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu, mỗi màu dùng một bản. Khi in, dập bản màu nhạt trước, màu đậm sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao. In màu xong, cuối cùng mới in bản nét với đầy đủ các nét trong tranh (màu đen). Bản nét có nét to đậm, mềm mại bao quanh lấy những mảng màu to bẹt, đồng bộ, tạo thành một đường viền làm ổn định hình trên tranh. Tranh được in bằng cách bôi màu vào bản khắc gỗ, mỗi màu một bản sau đó ấn khuôn lên giấy. Khâu cuối cùng là chấm sửa bức tranh, gọi là đồ tranh.

 


Các nghệ nhân đang đục bản in tranh
(Ảnh: internet)

 

Màu sắc trong tranh Đông Hồ có 5 màu chủ đạo, vì vậy, thông thường để in một tranh cần phải có 5 bản khắc, in trong 5 lần. Các bản khắc này được làm từ gỗ mít – loại gỗ trắng, có độ bền và độ dẻo cao nên rất thích hợp cho các đường đục nhỏ. Và tất nhiên, vì mỗi kiểu tranh đều mang tính cá thể từng gia đình làm tranh một nên phần lớn các bản khắc gỗ này đều được tự gia đình đó khắc để tự in tranh. Để những bản khắc này đạt đến trình độ tinh xảo thì cần phải có người vẽ mẫu trước. Những người vẽ mẫu và khắc bản in đòi hỏi phải là những người có lòng yêu nghệ thuật, có tâm hồn nghệ sĩ, đức tính tỉ mỉ và phải có kinh nghiệm, tay nghề rất cao. Sau khi đã có bản khắc rồi thì công đoạn in tranh không khó khăn lắm. Nhờ cách in dùng nhiều bản khắc này, tranh Đông Hồ được in với số lượng lớn và không đòi hỏi kĩ năng cầu kì nhiều. Tuy nhiên vì in trên ván gỗ một cách thủ công, nên tranh bị hạn chế về mặt kích thước, thông thường là 22x31cm.

 


Phơi tranh
(Nguồn: Báo Thanh Niên)

 

Nói thì đơn giản là vậy, xong khi đi sâu vào tìm hiểu nghề in tranh thì mới thấy để làm được một bức tranh thì công đoạn in cũng tốn lắm công sức và thời gian. Ví dụ, khi in một bức tranh cần đến 5 bản khắc thì trước tiên, họ in bản khắc thứ nhất lên hàng loạt giấy, sau đó đem những bức tranh chưa thành hình thù đó trải ra sân phơi nắng cho khô màu. Sân chật quá thì đen ra đình, ra triền đê mà phơi. Nghề làm tranh sợ nhất là mưa, sợ nhì là gió. Bởi vậy, khi phơi tranh phải luôn có người canh chừng. Tưởng tượng mà xem, những khi nào ta đi trên con đê sông Đuống khúc qua làng Hồ, nhìn từ trên xuống thấy triền đê toàn là tranh  đang lấp lánh ánh điệp và màu xanh đỏ dưới nắng, lúc đó mới cảm nhận hết được cái ý thơ “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” của thi sĩ Hoàng Cầm. Cứ như vậy, các bản in sau cũng lại được in hàng loạt rồi lại đen ra phơi cho khô màu, đến bản in thứ 5 mới hoàn thiện. Các công đoạn này phải mấy chừng 2, 3 ngày, nếu phải ngày mưa thì còn lâu hơn.

 

Theo thời gian, qui trình in tranh Đông Hồ đã được phân công hợp lí cho từ trẻ em đến người già, để có thể làm mà như chơi (riêng những người sức vóc khỏe mạnh thì phải đảm nhiệm việc đồng áng). Trẻ em được giao làm các việc đánh màu, quét điệp, phơi tranh, có thể thì căn ke bản in. Người già thì đốt rơm, ủ lá chiết màu, cho đến việc phân bộ bản in, dùng bút chấm sửa các tranh in chưa kĩ... Những việc khó về kĩ thuật và có tính sáng tạo thì do người giỏi đảm đương, làm trong xưởng riêng để giữ bí quyết nhà nghề.

Trần Văn Bình