dân gian  ĐÔNG  HỒ

1

CHẤT LIỆU LÀM TRANH

Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian cũng như đặc trưng của tranh Đông Hồ còn nằm ở chất liệu làm tranh. Giấy in tranh Đông Hồ là giấy dó – được làm bằng vỏ cây dó ở trên rừng...

1. Chất liệu làm tranh

Trong bài thơ Bên kia Sông Đuống Hoàng Cầm viết:

 

Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

 

Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian cũng như đặc trưng của tranh Đông Hồ còn nằm ở chất liệu làm tranh. Giấy in tranh Đông Hồ là giấy dó – được làm bằng vỏ cây dó ở trên rừng, theo wikipedia thì giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gẫy, ẩm nát. Với đặc tính chống ẩm, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc và có tuổi thọ tương đối cao. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho hay thì cây dó này chỉ có ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Giấy dó mang về với bản lớn nguyên sẽ được cắt thành nhiều cỡ, nhỏ nhất là 11x 2cm, lớn nhất là 22x31cm. Sau đó, người ta nghiền nát vỏ con điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) đem trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét điệplên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những đường rãnh li ti chạy theo đường quét khiến cho mặt giấy có những đường gân lồi lõm nên khi sờ lên có cảm giác thô ráp như sờ trên mặt vải thổ cẩm. Hiệu ứng thứ đến là do cấu tạo thô ráp, tranh Đông Hồ gần gũi với nét dân dã hơn do đó lột tả được chủ đề mà dòng tranh này thường khai thác. Vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng. Khi làm giấy, có thể pha thêm màu khác vào hồ để tạo thành màu nền. Giấy dó có quết điệp nên người ta thường gọi là “giấy điệp”.

 

Làng nghề Đông Hồ từ xa xưa đã có những liên kết công việc với nhiều làng quê khác. Họ đến với các làng vùng cửa sông Thái Bình, làng biển Quảng Ninh để mua vỏ trai, vỏ sò về nghiền vụn làm chất óng ánh sắc điệp nền tranh; đến với làng Đông Cảo, làng Phong Khê (Bắc Ninh) để có được thứ giấy dó seo với kĩ thuật đặc biệt; và làng Bưởi, làng Yên Thái (Hà Nội) để lấy loại giấy dó có khổ dài dùng in các bộ tranh tứ bình. Những rơm nếp, giành giành, lá chè, hoa hoè… Đông Hồ mua chuyên của một số làng lân cận, làm nguyên liệu chế màu.

Màu sắc được sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên: màu đen lấy từ than gỗ xoan, rơm nếp hay than lá tre được ngâm kĩ trong chum vại vài tháng rồi mới sử dụng được; màu xanh lấy từ gỉ đồng hay lá chàm – lá ở vùng dân tộc thiểu số phía Bắc, họ thường dùng để nhuộm quần áo; màu vàng lấy từ hoa giành giành, hoa hòe – loài hoa về mùa hè người ta vẫn dùng để sắc nước uống thanh nhiệt; màu đỏ lấy từ gỗ vang và sỏi son trên núi Thiên Thai; màu trắng lấy từ điệp v.v. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.
 

Làm màu là một công đoạn khó, phải trải qua các khâu chế màu, đồ màu, hãm màu rất công phu, đòi hỏi phải có tay nghề cao mới có thể làm ra loại màu tươi tắn, tự nhiên. Bởi vậy, ngày xưa, có bao nhiêu dòng họ thì có bấy nhiêu cách pha chế màu, nó đã trở thành bí kíp của riêng từng người, bởi vậy không hề truyền ra ngoài mà chỉ truyền cho con cháu. Vậy nên, những ai sành chơi tranh khi nhìn màu sắc của tranh cũng đoán được ra đó là tranh của nhà nào.

Sau khi in thành tranh, kể cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên.
 

Trên giấy điệp, khi hớn hở, khi thanh thản, những màu nguyên đó rung lên theo ánh sáng. Màu vàng hòe tượng trưng cho sự no đủ, màu vàng rộm lên như cánh đồng lúa chín, màu xanh như lũy tre, màu đỏ gấc như yếm thắm, màu nhiễu tím như thắt lưng, màu đen như váy lĩnh giữa mùa quan họ. Tất cả đều là vật liệu có sẵn trong thiên nhiên mà cuộc đời chúng ăn sâu vào tâm thức người Việt từ thuở xa nào. Bởi vậy, mỗi khi được cầm một bức tranh Đông Hồ trên tay, bao kỉ niệm ấu thơ, tình yêu làng xóm, quê hương, nỗi khát khao quay trở lại cội nguồn dân tộc lại sống dậy trong lòng biết bao người con Việt xa xứ.