dân gian  ĐÔNG  HỒ

1

Gà Kê cúc

5 đức tính của đấng nam nhi: Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín

Mỗi vế tranh vẽ một chú gà trống hùng dũng, một chân gân guốc xoạc ra, chân kia bám vào tảng đá, vươn mình lên như sắp gáy - mà cũng như sắp bước vào một trận quyết chiến. Nói theo cách của hội hoạ hiện đại, đôi tranh này sử dụng bảng màu “tương túc” (tương phản và bổ túc). Hai màu tương phản đỏ - xanh (tuy đỏ đã ngả nâu) và màu trung gian là màu vàng. Những chiếc lông cánh, lông đuôi của con gà xen kẽ ba màu đỏ - vàng - xanh cùng những mảng vàng lớn khiến người xem bị cuốn hút mạnh mẽ. Chỉ có ba màu đỏ - vàng - xanh ấy mà ta cảm thấy màu sắc như trùng trùng điệp điệp, tạo ấn tượng rất mạnh.

Trên cả đôi tranh không có chữ gì, nhưng theo các nghệ nhân cao tuổi của làng Đông Hồ, hình ảnh gà trống oai phong, hùng dũng của đôi tranh này tượng trưng cho 5 đức tính của đấng nam nhi: Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín: Cái mào đỏ tựa như chiếc mũ cánh chuồn là tượng trưng cho Văn; Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để  chọi là tượng trưng cho Võ; Thấy địch thủ, chú gà trống dũng cảm xông lên chiến đấu là biểu thị của Dũng; Kiếm được mồi cùng gọi nhau ăn là biểu thị của  Nhân; Hàng ngày chú gà trống gáy “cầm canh, báo thức” không bao giờ sai là biểu thị của Tín.

Có thể nói, mầu dân tộc sáng bừng trên những bức tranh dân gian Đông Hồ nói chung và những bức tranh gà nói riêng. Những bức tranh ấy, với ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đã đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và phản ánh ước mơ, khát vọng về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc của người dân lao động - nhất là vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.


Tranh chủ đề tiếp theo